Hội đàm triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng cục Quản lý thị trường và Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO)

Chiều ngày 01/3/2024, tại Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi hội đàm triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng cục Quản lý thị trường và Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO).
Về phía Cơ quan Sáng chế Nhật Bản có sự tham dự của ông Naito Yasuaki, Giám đốc Ban Sở hữu trí tuệ, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Bangkok; bà Hirota Kaori, Phó Giám đốc, Bộ phận Nghiên cứu Chống Hàng giả, Văn phòng hỗ trợ Doanh nghiệp nước ngoài, Phòng Hợp tác Quốc tế, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản; ông Maki Kodai, chuyên viên thông tin quốc tế, Văn phòng hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài, Phòng Hợp tác Quốc tế, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản cùng sự tham dự của bà Eri Ogawa, Lãnh sự, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đoàn công tác Cơ quan Sáng chế Nhật Bản
Tiếp đoàn công tác, về phía Tổng cục Quản lý thị trường có sự tham dự của ông Nguyễn Thành Nam, Phó Tổng Cục trưởng – chủ trì buổi hội đàm; ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường. Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh có sự tham dự của ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng; ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng và đại diện Lãnh đạo các Phòng chuyên môn.
Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường TP.HCM
Trao đổi với phía JPO tại buổi hội đàm, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trường Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã khái quát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, nhân sự của Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và mối quan hệ với Tổng cục Quản lý thị trường. Đồng thời, ông Nguyễn Tiến Đạt cũng thông tin về số liệu xử lý hàng giả của lực lượng Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể: trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2023, các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 89 vụ về hàng hóa giả mạo nhãn hiệu của các doanh nghiệp Nhật Bản với trị giá hàng hóa vi phạm trên 900 triệu đồng và xử phạt số tiền trên 1 tỷ đồng. Các nhãn hiệu hàng hóa giả mạo gồm: Choya, Uniqlo, Panasonic, Mitsubishi, Honda, Toyota…, trong đó hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Honda được lực lượng Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện và xử lý nhiều nhất (77 vụ).
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, đây là kết quả của sự phối hợp, hợp tác giữa Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh với các chủ thể quyền của các nhãn hiệu của các doanh nghiệp Nhật Bản. Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh xác định việc tuyên truyền pháp luật để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng là một trong những giải pháp quan trọng để chống hàng giả trên thị trường nên bên cạnh công tác tuyên truyền các quy định pháp luật trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, các chủ thể quyền tổ chức hội thảo chống hàng giả và bảo vệ nhãn hiệu; phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức hội nghị tuyên truyền các quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho người dân tại các địa phương này; cung cấp thông tin xử lý vi phạm định kỳ, đột xuất cho các cơ quan truyền thông để người dân dễ dàng nhận biết,…
Trao đổi với Đoàn công tác JPO về đặc thù và biện pháp chống hàng giả trực tuyến của Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Xuân Việt, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp cho biết, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang phối hợp với các cơ quan có liên quan như: Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an Thành phố,… triển khai thực hiện Quyết định số 313/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc phê duyệt Kế hoạch Tổng thể Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 với một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tổ chức khảo sát, thống kê về tình hình ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố để kịp thời nắm bắt thực tiễn phát sinh, xây dựng chính sách quản lý, phát triển hoạt động thương mại điện tử phù hợp; Tuyên truyền, hướng dẫn trách nhiệm kê khai, nộp thuế cho tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử ; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế góp phần thực hiện công tác quản lý nhà nước về thuế trong thương mại điện tử; Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, định kỳ, đột xuất đối với hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố; đẩy mạnh xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn về xuất xứ hàng hóa, nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, sở hữu trí tuệ và thuế.
Ông Nguyễn Xuân Việt, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp
Cục Quản lý thị trường TP.HCM
Theo ông Nguyễn Xuân Việt, khi tiếp nhận thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường nhưng không thuộc địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh chuyển giao ngay thông tin đã tiếp nhận cho Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành khác có thẩm quyền để xử lý theo quy định; quy trình tương tự cũng áp dụng cho Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành khác trong tiếp nhận và xử lý thông tin. Trong năm 2023, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 81 thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp do Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành khác chuyển đến để xem xét thẩm tra, xác minh và kiểm tra, xử lý nếu phát hiện có vi phạm.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường
Kết thúc buổi hội đàm, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đánh giá cao chuyến công tác của Đoàn Sáng chế Nhật Bản đến làm việc với Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, là đơn vị trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường. Theo ông Nam, Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, lớn nhất Việt Nam về dân số và quy mô kinh tế; trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói riêng và cả nước nói chung, đồng thời là cửa ngõ quan trọng kết nối khu vực và thế giới. Với tốc độ tăng trưởng nhanh, Thành phố Hồ Chí Minh có môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện và đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng, đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM trao tặng quà lưu niệm cho Đoàn công tác JPO
Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, Lãnh đạo Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường và
Lãnh Cục Quản lý thị trường TP.HCM chụp hình lưu niệm với Đoàn Công tác JPO
Đồng thời, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thành Nam bày tỏ mong muốn Cơ quan Sáng chế Nhật Bản và các đơn vị thuộc JPO sẽ tiếp tục ủng hộ, hợp tác, dành những ưu tiên hỗ trợ để thúc đẩy hiệu quả các chương trình, mở ra nhiều cơ hội nâng cao hợp tác trong công tác quản lý thị trường của hai quốc gia và khẳng định Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh luôn sẵn sàng hợp tác với các đơn vị của Cơ quan Sáng chế Nhật Bản nhằm triển khai thực chất và hiệu quả các nội dung theo Biên bản Ghi nhớ đã ký kết./.