Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 15/2024/TT-BCT quy định một số nội dung về thanh tra chuyên ngành Công Thương

Thông tư số 15/2024/TT-BCT bao gồm 15 Điều và 10 Phụ lục sử dụng trong hoạt động thanh tra chuyên ngành. Thông tư quy định điều kiện, tiêu chuẩn đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Công Thương; chế độ bồi dưỡng đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Công Thương; cấp trang phục, thẻ thanh tra và một số nội dung khác về thanh tra chuyên ngành Công Thương.
Đối tượng áp dụng theo Thông tư này gồm Thanh tra Bộ Công Thương; các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Công thương; Chánh Thanh tra Bộ Công thương, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Công thương (sau đây gọi chung là Thủ trưởng cơ quan); người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Công Thương và đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thông tư 15/2024/TT-BCT (Thông tư 15) được thay thế cho Thông tư 14/2020/TT-BCT ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Bộ Công Thương (Thông tư 14) hướng dẫn một số quy định về thanh tra chuyên ngành Công Thương, nhằm loại bỏ những quy định không còn phù hợp hoặc đã lỗi thời, tạo điều kiện cho việc áp dụng các quy định mới một cách hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Thông tư 15 được ban hành dựa trên các căn cứ pháp lý mới, bao gồm Luật Thanh tra năm 2022 và các nghị định sửa đổi, bổ sung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương. Thông tư này cũng quy định rõ ràng hơn về điều kiện, tiêu chuẩn đối với người thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, bao gồm yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra và các tiêu chuẩn bổ nhiệm; quy định chi tiết về chế độ bồi dưỡng nghiệp vụ cho người thực hiện thanh tra và về việc cấp thẻ thanh tra chuyên ngành, bao gồm hình thức, trình tự và thủ tục cấp thẻ.
Thông tư 15 quy định một số nội dung mới cần lưu ý trong công tác thanh tra chuyên ngành như sau:
Thứ nhất, một số quy định mới về Thẻ thanh tra chuyên ngành Công Thương (sau đây gọi tắt là Thẻ).
Về thẩm quyền cấp Thẻ: Thông tư 14 quy định “Thẻ công chức thanh tra chuyên ngành Công thương do Bộ trưởng Bộ Công Thương cấp cho người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành” (khoản 1 Điều 9 Thông tư 14); trong Thông tư 15 quy định thẩm quyền cấp Thẻ giao Chánh Thanh tra Bộ Công Thương cấp (khoản 1 Điều 6 Thông tư 15).
Tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 15/2024/TT-BCT quy định: “Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn người được cấp Thẻ bảo quản và sử dụng Thẻ đúng mục đích.” Đây là một quy định mới so với Thông tư 14.
Về mẫu Thẻ: Thông tư 14 gọi là “THẺ CÔNG CHỨC THANH TRA CHUYÊN NGÀNH CÔNG THƯƠNG” và trên Thẻ do Bộ trưởng ký, đóng dấu của Bộ Công Thương; trong Thông tư 15, tên Thẻ đổi thành “THẺ THANH TRA CHUYÊN NGÀNH CÔNG THƯƠNG” và Thẻ do Chánh thanh tra Bộ ký, đóng dấu của Thanh tra Bộ Công Thương.
Ngoài ra, Thông tư 15 còn quy định chuyển tiếp về Thẻ thanh tra chuyên ngành được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành vẫn tiếp tục có giá trị theo thời hạn ghi trên Thẻ và Chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành được cấp cho công chức từ ngày 21 tháng 10 năm 2017 đến nay tiếp tục có giá trị.
Thứ hai, tại khoản 2 Điều 17 Thông tư 14 quy định về Trưởng đoàn thanh tra, ngoài những tiêu chuẩn chung về phẩm chất đạo đức, am hiểu nghiệp vụ… thì còn phải đáp ứng điều kiện “người được giao nhiệm vụ Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành tại cơ quan Quản lý thị trường cấp tỉnh phải là kiểm soát viên chính thị trường trở lên hoặc Phó Đội trưởng hoặc Phó Trưởng phòng trở lên”. Tuy nhiên, Thông tư 15 quy định Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành không bắt buộc phải là kiểm soát viên chính thị trường trở lên hoặc Phó đội trưởng hoặc Phó trưởng phòng trở lên. Khoản 4 Điều 12 Thông tư 15 quy định: “ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn tại Điều 28 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra phải còn thời gian công tác (tính thời gian khi nghỉ hưu theo quy định) tối thiểu là 09 tháng”.
Mặt khác, điểm b, khoản 2 Điều 33 Nghị định 03/2024/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng Thanh tra chuyên ngành, quy định: “Đối với Đoàn thanh tra do Cục trưởng Cục thuộc Tổng cục, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh thành lập thì Trưởng đoàn thanh tra phải từ chuyên viên hoặc tương đương trở lên”
Như vậy, theo quy định mới Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Cục thuộc Tổng cục chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn: là người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, là chuyên viên hoặc tương đương trở lên và còn thời gian công tác tối thiểu là 09 tháng.
Thứ ba, Thông tư 15 bổ sung một số quy định sau:
Ban hành Kế hoạch thanh tra hằng năm và điều chỉnh Kế hoạch thanh tra được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2024/TT-TTCP ngày 08 tháng 4 năm 2024 của Thanh tra Chính phủ quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng Chương trình thanh tra và ban hành Kế hoạch thanh tra.
Thủ trưởng cơ quan ký ban hành Quyết định thanh tra giao cấp phó ký ban hành Quyết định thanh tra. Theo đó, khoản 3 Điều 12 Thông tư 15 quy định “Thủ trưởng cơ quan ký ban hành Quyết định thanh tra theo quy định hoặc giao cấp phó ký ban hành Quyết định thanh tra. Việc giao cấp phó ký ban hành Quyết định thanh tra được thực hiện thông qua văn bản phân công nhiệm vụ của Thủ trưởng cơ quan và các Phó thủ trưởng cơ quan hoặc chỉ đạo ký ban hành Quyết định thanh tra đối với từng cuộc thanh tra cụ thể”.
Về lập, lưu giữ và bàn giao hồ sơ thanh tra: Điểm a Khoản 5 Điều 12 Thông tư 15 quy định: “Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày kết thúc hồ sơ thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra; Người thực hiện giám sát; tổ chức, cá nhân được phân công thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra (nếu có) có trách nhiệm bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan đến cuộc thanh tra cho đơn vị tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành lưu giữ chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ khi công bố Kết luận thanh tra.”
Ban hành thêm một số biểu mẫu mới: Thông tư 15 đã loại bỏ đi 02 mẫu biểu cũ: Quyết định mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành, Quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm, và Quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra hàng năm từ Thông tư 14. Đồng thời, thông tư này cũng ban hành thêm 03 biểu mẫu mới: Quyết định tạm đình chỉ sử dụng Thẻ thanh tra chuyên ngành, Quyết định thu hồi Thẻ thanh tra chuyên ngành, và Quyết định giao nhiệm vụ tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành.
Thông tư 15/2024/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2024, đồng thời bãi bỏ Thông tư số 14/2020/TT-BCT ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn một số quy định về thanh tra chuyên ngành Công Thương. Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
Việc Bộ Công Thương ban hành Thông tư 15 đã cung cấp các quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn đối với người thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, từ đó tạo ra một khung pháp lý vững chắc cho hoạt động thanh tra trong lĩnh vực Công Thương. Các quy định trong Thông tư 15 giúp các cơ quan chức năng thực hiện thanh tra và kiểm tra một cách hiệu quả hơn, từ đó phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động thương mại. Thông qua những điều chỉnh trên, Thông tư 15 không chỉ nâng cao hiệu quả công tác thanh tra mà còn đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động thanh tra chuyên ngành Công Thương./.