Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị Sơ kết quy chế phối hợp giữa các Cục QLTT và Công ty xăng dầu Miền Trung Tây Nguyên và Đông Nam Bộ

Đến dự có Ông Trần Hồng Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường cùng Lãnh đạo Tập đoàn xăng dầu Việt Nam.
Tham dự Hội nghị còn có đại diện các Vụ, Cục, Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường và đại diện Lãnh đạo 20 Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Miền Trung, Tây nguyên và Đông Nam Bộ, gồm: Thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kom Tum, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh và đại diện các Công ty Xăng dầu khu vực Duyên hải Miền Trung, Tây nguyên và Đông nam Bộ.
Tại Hội nghị, hai bên đã đánh giá kết quả đạt được sau 05 năm thực hiện quy chế phối hợp được ký kết giữa các đơn vị trong công tác quản lý thị trường xăng dầu. Trong thời gian qua, sự phối hợp giữa Cục Quản lý thị trường và Công ty Xăng dầu các tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các Cục Quản lý thị trường đã thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tạo điều kiện hỗ trợ các Công ty xăng dầu quản lý hệ thống phân phối và bảo vệ thương hiệu Petrolimex trên địa bàn địa phương. Công tác thông tin và tuyên truyền về quy định pháp luật trong kinh doanh xăng dầu cũng được triển khai thường xuyên, góp phần tích cực trong công tác quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu; đảm bảo nguồn hàng cung ứng và hệ thống bán lẻ phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của Nhân dân. Các Cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, tạo ra một thị trường xăng dầu lành mạnh hơn, đồng thời nâng cao hiệu quả trong phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh có bài tham luận về công tác cung cấp thông tin về hoạt động kinh doanh xăng dầu, các vi phạm xảy ra trên thị trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó nêu lên những khó khăn, vướng mắc, đánh giá các kết quả đạt được, đề ra những giải pháp trong thời gian tới. Ngoài công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước về kiểm tra, xử lý, cung cấp thông tin về hoạt động kinh doanh xăng dầu, trong thời gian qua Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện ký Quy chế phối hợp số 2962/QCPH-QLTT-KVII ngày 18 tháng 12 năm 2020 giữa Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Xăng dầu Khu vực II – TNHH Một thành viên, nhằm mục đích giúp cho Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh có những thông tin về tình hình thị trường xăng dầu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… để kịp thời kiểm tra, xử lý theo quy định; đồng thời hỗ trợ công ty xăng dầu trong công tác quản lý hệ thống phân phối và bảo vệ thương hiệu.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh ghi nhận những nỗ lực trong công tác chuẩn bị về nội dung, cũng như cơ sở vật chất của Cục Quản lý thị trường Lâm Đồng và Công ty Xăng dầu Lâm Đồng. Đồng chí đánh giá cao công tác phối hợp giữa Cục Quản lý thị trường và Công ty xăng dầu các tỉnh trong thời gian vừa qua, các đơn vị đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Tổng cục Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 Trung ương, Ban chỉ đạo 389 tỉnh. Đồng thời đề nghị các Cục Quản lý thị trường cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, thể hiện tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả, bình ổn thị trường tại các địa phương; Thường xuyên trao đổi thông tin, thực hiện tốt công tác phối hợp nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác chuyên môn; Thực hiện tốt công tác truyền thông; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân nhằm giúp người dân nêu cao ý thức chấp hành pháp luật./.