Cục QLTT TP.HCM đã kiểm tra 9.032 vụ chuyên ngành và liên ngành trong tháng 7/2023

Các Đội Quản lý thị trường kiểm tra 9.032 vụ chuyên ngành và liên ngành, có 438 vụ vi phạm, cụ thể như sau:
- Về Hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường: Tổng số vụ kiểm tra: 473 vụ. Tổng số vụ vi phạm: 411 vụ.
Phân loại có 526 trường hợp vi phạm như sau: hàng cấm: 01 trường hợp, hàng nhập lậu: 92 trường hợp, vi phạm về hàng giả và sở hữu trí tuệ: 124 trường hợp, vi phạm trong lĩnh vực giá: 12 trường hợp, vi phạm trong kinh doanh: 113 trường hợp, vi phạm an toàn thực phẩm: 06 trường hợp và 178 trường hợp vi phạm khác.
Một số nhóm vi phạm nổi cộm trong tháng 7: Các Đội Quản lý thị trường tiếp tục thực hiện Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2023, đồng thời tiếp tục tăng cường quản lý địa bàn, triển khai kiểm tra, kiểm soát đúng trọng tâm, thể hiện qua số liệu kiểm tra một số lĩnh vực, mặt hàng như sau:
+ Thuốc lá điếu và thuốc lá thế hệ mới: đã kiểm tra 05 vụ vi phạm, tạm giữ 09 bao thuốc lá điếu và 846 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử, phụ kiện và tinh dầu.
+ Hàng hóa nhập lậu: đã kiểm tra, xử lý 92 trường hợp vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, tạm giữ 146.185 đơn vị sản phẩm dụng cụ cầm tay, dụng cụ làm đẹp, đồ chơi trẻ em, phụ tùng xe máy, mỹ phẩm, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, phụ kiện điện thoại di động, hàng điện gia dụng, hàng gia dụng, văn phòng phẩm, vải, giày dép…
+ Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ: đã kiểm tra, xử lý 120 trường hợp vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tạm giữ 125.704 đơn vị sản phẩm dụng cụ cầm tay, giày dép, hàng gia dụng, quần áo, thực phẩm, máy tính xách tay, thực phẩm chức năng, phụ tùng xe máy, giày dép, thiết bị điện, hàng gia dụng, dụng cụ y tế, trang sức xi mạ, phụ kiện điện thoại di động, thiết bị vệ sinh…
+ Hàng giả: đã kiểm tra, xử lý 124 trường hợp vi phạm về kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tạm giữ 19.358 đơn vị sản phẩm dụng cụ làm đẹp, quần áo, giày dép, túi xách, ví, đồng hồ, phụ kiện điện thoại di động, phụ tùng xe máy, mắt kính, văn phòng phẩm, thuốc tân dược… nhãn hiệu Rolex, Patek Phillippe, Hermes, Burberry, Dior, Apple, Honda, Adidas, Nike, Chanel, Versace, Giorgio Armani, Louis Vuitton, Apple, Levi’s, Glucerna, MLB…
+ Thực phẩm: đã kiểm tra 40 vụ, trong đó có 36 vụ vi phạm, đã tạm giữ 29.289 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Riêng đối với mặt hàng đường cát trong tháng, đã kiểm tra 05 vụ vi phạm, tạm giữ là 14,1 tấn đường cát nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
+ Mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, vị thuốc y học cổ truyền: Thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ, các Đội Quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra với kết quả như sau: Mỹ phẩm: Kiểm tra, xử lý 35 vụ vi phạm, đã tạm giữ 20.523 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm các loại. Dược phẩm: Kiểm tra, xử lý 31 vụ vi phạm, đã tạm giữ 26.279 đơn vị sản phẩm (viên, vỉ hộp) thuốc tân dược các loại. Thực phẩm chức năng: Kiểm tra, xử lý 04 vụ vi phạm, đã tạm giữ 4.980 đơn vị sản phẩm (viên, hộp) thực phẩm chức năng các loại..
Kết quả xử lý vi phạm hành chính: Tổng số vụ đã xử lý là 297 vụ, thu nộp ngân sách với số tiền là 5.589.918.000 đồng từ tiền thu phạt hành chính. Trị giá hàng hóa đã tiêu hủy là 959.081.000 đồng.
Trong tháng 7, đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 01 vụ hàng lậu, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 1,7 tỷ đồng.
- Về Công tác phối hợp kiểm tra liên ngành: Lực lượng Quản lý thị trường tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố và quận/huyện đã kiểm tra 8.559 vụ, có 27 vụ vi phạm.
Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường. Đồng thời, chỉ đạo các Phòng chuyên môn và các Đội Quản lý thị trường tập trung thực hiện đúng tiến độ Kế hoạch kiểm tra định kỳ 2023, Kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2023 và các kế hoạch công tác năm đã ban hành./.